Lĩnh vực công nghệ ô tô tại Việt Nam được cho là đang phát triển mạnh mẽ. Điều đó thúc đẩy nhu cầu tuyển dụng nhân lực ngành này từ các nhà cung cấp dịch vụ ô tô ngày càng cao.
Học xong có công việc ngay
Ông Vũ Mạnh Hùng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Giao thông vận tải Trung ương III, cho biết: “Đồng sơn ô tô chiếm trên 70% khối lượng công việc của các trung tâm sửa chữa ô tô. Các doanh nghiệp về dịch vụ ô tô đang cần tuyển rất nhiều nhân lực lĩnh vực sơn sửa ô tô, tuy nhiên nghề này vẫn chưa có tên trong danh mục các ngành nghề đào tạo. Ở một số trường, sơn ô tô chỉ là một mô-đun nằm trong ngành công nghệ ô tô. Do nhu cầu quá lớn, trường chúng tôi đã đưa vào thành chương trình đào tạo ngắn hạn từ 3-6 tháng cho những em có đam mê nghề sơn ô tô. Các em học xong đều có công việc ngay với mức thu nhập từ 15-20 triệu đồng/tháng”.
Hiện nay, một số trường cũng đào tạo ngắn hạn về sơn ô tô nhưng cũng chỉ giải quyết được một phần nhỏ nhu cầu của thị trường. Tại TP.HCM còn có Trường trung cấp nghề kỹ thuật công nghệ Hùng Vương đào tạo khóa học đồng sơn ô tô căn bản và nâng cao. Tại Hà Nội có Trường trung cấp nghề Giao thông công chính cũng đào tạo ngắn hạn nghề này....
Đại diện Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương thông tin: "Trong ngành công nghệ ô tô, học viên có học môn đồng sơn nên khi ra trường không ít bạn quyết định theo nghề này. Không chỉ vậy, học viên các khóa ngắn hạn và nâng cao về sơn ô tô ra trường đều xin được việc làm ngay do việc nhiều trong khi rất ít trường đào tạo".
Ít người học do độc hại?
Ông Vũ Mạnh Hùng cho biết, nhìn chung chương trình học nghề sơn ô tô được thiết kế từ căn bản đến chuyên sâu, với thời lượng thực hành và trực tiếp ở doanh nghiệp chiếm đa số thời gian. Nội dung học bao gồm kiến thức khái quát ngành sơn ô tô, an toàn lao động, phương pháp chuẩn bị bề mặt, phương pháp che chắn, kỹ thuật sử dụng súng phun sơn, kỹ thuật pha chỉnh màu, các phương pháp phun sơn, phương pháp đánh bóng, các lỗi sơn thường gặp...
Nghề sơn ô tô lâu nay cũng ít người theo học một phần là do nhận thức đây là một nghề độc hại. Tuy nhiên, ông Hùng nhìn nhận: “Công nghệ ngày càng phát triển, trang thiết bị cho một xưởng sơn hiện đại và đúng chuẩn sẽ giảm tối đa sự độc hại, do máy móc có thể hút hết bụi và mùi sơn. Bên cạnh đó đồ bảo hộ cũng giúp người thợ được an toàn”.
Ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho biết vào tháng 8 tới, Việt Nam tham dự kỳ thi Tay nghề thế giới tại CHLB Nga với 19 nghề, trong đó có nghề sơn ô tô. "Đây là một nghề còn mới ở Việt Nam, hiện mới chỉ có chương trình đào tạo ngắn hạn. Các doanh nghiệp về dịch vụ sơn sửa xe ô tô rất cần nhưng không có nguồn để tuyển nhân lực lĩnh vực này, họ phải tìm cách tự đào tạo, người có kinh nghiệm dạy lại cho người mới. Trong tương lai, có lẽ nghề này cần được bổ sung vào danh mục đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng để cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của xã hội", ông Trường chia sẻ.